Giới đầu tư địa ốc đang "săn" tìm bất động sản nào, ở khu vực nào sau dịch Covid-19?

Thời gian gần đây, dường như BĐS đang “bắt nhịp” lại với thị trường sau khoảng thời gian “nén” khá lâu cả về nguồn cung lẫn giao dịch. Hầu hết các phân khúc từ căn hộ, đất nền đến biệt thự, nhà phố, BĐS nghỉ dưỡng đều rục rịch trở lại thị trường. Cùng với đó, động thái tìm kiếm, nghe ngóng sản phẩm của người mua cũng bắt đầu rõ nét hơn so với thời điểm trong dịch.

Ghi nhận cho thấy, các khu vực đều đang trở lại với nhiều thông tin về dự án cũng như động thái quy hoạch xây dựng hạ tầng. Chẳng hạn, mới đây nhất thông tin về thành lập “Thành phố phía Đông” được xem cú hích mạnh mẽ khiến thị trường BĐS khu vực này sôi động rõ nét.

Các NĐT cũng đã có những động thái quan tâm nhất định. Hay một số thị trường tỉnh như Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước…cũng đang hút giới đầu tư về bằng các thông tin hạ tầng đã và đang hiện hữu, bằng làn sóng đầu tư công nghiệp đổ về nơi đây trước động thái chuyển hướng sản xuất sau dịch của các nước lân cận.

Có thể nói, sau thời điểm dịch được kiểm soát tốt Việt Nam, thị trường BĐS thay vì phải mất khoảng thời gian khá lâu để quay trở lại như một số dự báo trước đó thì dường như nhịp độ quay trở lại nhanh hơn ở cả CĐT lẫn người mua. Dĩ nhiên, theo ghi nhận, người mua hầu hết cũng đang trong trạng thái giữ tiền và nghe ngóng tình hình.

Một chuyên gia nhận định, hiện thị trường đã có khoảng 50% sẵn sàng xuống tiền mua, 50% còn lại đang nghe ngóng, chờ đợi. Đối với NĐT, họ quan sát để vào thị trường đúng thời điểm, còn về phía người mua ở thực thì lại chờ đợi động thái giảm giá “chút đỉnh” đối với các sản phẩm BĐS.

Giới đầu tư địa ốc đang săn tìm bất động sản nào, ở khu vực nào sau dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Theo ghi nhận, hiện các NĐT địa ốc có xu hướng tìm kiếm các BĐS ở khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM với các dự án pháp lý đã ổn, hoặc dự án được quy hoạch bài bản từ hạ tầng đến tiện ích. Với các sản phẩm đất thổ cư trong dân đã có sổ hay đất phân lô bán nền ở những khu vực có tiềm năng về đón sóng hạ tầng, gần biển cũng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Đáng nói, các sản phẩm đất nền hiếm hoi xuất hiện tại khu vực Tp.HCM dù giá khá cao nhưng NĐT vẫn tìm kiếm mua vào, chờ bán lại cho nhu cầu ở thực còn khá lớn tại khu vực. Tuy vậy, sức mua cũng phần nào giảm nhiệt hơn so với giai đoạn trước đó.

Một NĐT lâu năm tại Tp.HCM cho biết, sau khoảng thời gian dài thị trường biến động lên xuống cho nên bỏ tiền vào BĐS ở thời điểm này ưu tiên nhất là sự an toàn về pháp lý. Vì thế, các sản phẩm BĐS có pháp lý ổn cùng giá bán còn hợp lý thì sẽ được NĐT quan tâm. NĐT này cũng tiết lộ, nguồn tiền cho việc đầu tư BĐS vẫn giữ, hiện chỉ tìm kiếm sản phẩm phù hợp để xuống tiền.

Ghi nhận cho thấy, thực tế nhu cầu đầu tư ở các phân khúc thị trường của các NĐT là khác nhau. Ở mỗi phân khúc sẽ có các NĐT khác nhau. Những NĐT chuyên săn dòng sản phẩm cao cấp để mua vào thì quan tâm nhiều đến tiềm năng của dự án về cảnh quan, tiện ích… hướng đến nhu cầu ở chất lượng của đối tượng người mua có tiền.

Cho nên, với những sản phẩm đáp ứng được tiêu chí về chất lượng sống cao, của những CĐT có thương hiệu trên thị trường sẽ được họ quan tâm. Trong khi những NĐT chuyên đầu tư các sản phẩm trung cấp, bình dân thì ưu tiên vấn đề về giá cả nhiều hơn. Họ sẽ vào thị trường lúc giá BĐS có thể đã chững lại một chút so với thời điểm trước, thấy hợp lý về giá là họ mua vào. Khi thị trường tốt lên, sản phẩm bán ra cho người mua ở thực thì biên độ chênh lệch lợi nhuận cũng cao hơn.

Theo các chuyên gia, từ khoảng giữa tháng 4 đến nay thị trường BĐS đã có dấu hiệu tốt lên rất nhiều. Những NĐT cá nhân cũng đã bắt đầu “đón sóng” ở các thị trường tiềm năng. Nhất là khi mà điểm sáng rõ nét nhất trên thị trường BĐS hiện này là BĐS công nghiệp thì đã có làn sóng ngầm săn BĐS gần các cụm khu công nghiệp để đón đầu nhu cầu an cư của người lao động, chuyên gia.

Trong đó đa số NĐT kì vọng biên lợi nhuận trong trung, dài hạn chứ không phải dạng lướt sóng như trước đây. Tuy nhiên, một vài quan điểm của NĐT vẫn cho rằng, thị trường hiện nay vẫn có thể lướt sóng trong khoảng thời gian trên dưới 1 năm ở các thị trường có ưu thế thực sự nổi bật về hạ tầng giao thông.

Từng trao đổi trước đó, ông Phạm Lâm, CEO DKRA vietnam cho rằng, dù vào thị trường thời điểm nào cũng có cơ hội riêng cho NĐT. Tuy nhiên, nên có quan điểm đầu tư rõ ràng, chiến lược đầu tư mang tính chất trung và dài hạn, lựa chọn sản phẩm chất lượng của những nhà phát triển có uy tín, có bề dày kinh nghiệm, có sản phẩm đối chứng…